Khám tiền sản phát hiện sớm ung thư cổ tử cung

Khám tiền sản chuẩn bị mang thai, chị Hương, 36 tuổi, bất ngờ phát hiện tổn thương tiền ung thư cổ tử cung.

Chị Thanh Hương (quê Kon Tum) có con 5 tuổi, thai lưu cách đây một năm. Chị đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám tiền sản giữa tháng 9.

Sau khi khám và làm xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân nhiễm virus HPV type 16. Bác sĩ tiếp tục soi cổ tử cung, sinh thiết phát hiện tổn thương tiền ung thư cổ tử cung mức độ 3 – giai đoạn nặng nhất của tiền ung thư. Tiền ung thư cổ tử cung (còn gọi là ung thư biểu mô tại chỗ) là giai đoạn các tế bào biểu mô bất thường mới bắt đầu xuất hiện trong lớp lót cổ tử cung, chưa xâm lấn sâu xuống mô chính, chưa lan sang các bộ phận khác. Theo thời gian và những biến đổi, các tế bào bất thường này có nguy cơ phát triển thành ung thư.

Người bệnh được bác sĩ thực hiện thủ thuật khoét chóp cổ tử cung để chẩn đoán vì sang thương lan rộng và sâu. Kết quả giải phẫu đúng như chẩn đoán, bờ phẫu thuật không an toàn.

Sau khi cân nhắc, chị Hương muốn điều trị triệt để loại trừ nguy cơ tiến triển ung thư, chứ không theo dõi thêm. BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa cùng ê kíp phẫu thuật nội soi cắt tử cung toàn phần, hai vòi trứng và chừa hai buồng trứng. Sau mổ, người bệnh khỏe mạnh, xuất viện sau bốn ngày.

ThS.BS Kiều Lệ Biên, Trung tâm Sản Phụ khoa, cho biết tiền ung thư cổ tử cung có thể điều trị bằng phương pháp khoét chóp tùy theo độ nặng và sự lan rộng, sâu của tổn thương hoặc điều trị triệt để là cắt tử cung. Phương pháp điều trị triệt để có tỷ lệ khỏi bệnh đến 98%. Sau phẫu thuật, người bệnh vẫn phải tiếp tục theo dõi theo phác đồ vì còn mô âm đạo và virus HPV có thể gây ra sang thương ở biểu mô này.

Giai đoạn tiền ung thư cổ tử cung thường không có triệu chứng. Một số ít phụ nữ cảm thấy vùng kín tiết dịch bất thường, đau khi giao hợp, xuất huyết âm đạo, bất thường đặc biệt là sau giao hợp… Giai đoạn muộn xuất hiện các triệu chứng như đau vùng chậu, đau lưng, phù chân và đau nhức chân, mệt mỏi, sụt cân.

Theo Globocan năm 2020, tỷ lệ mắc mới ung thư cổ tử cung ở Việt Nam năm 2020 là 6,6 trên 100.000 phụ nữ, chiếm 2,3 % tỷ lệ ung thư chung. Tỷ lệ tử vong là 3,4 trên 100.000 người.

Theo bác sĩ Lệ Biên, ung thư cổ tử cung thường gặp ở tuổi 35-44 với độ tuổi trung bình được chẩn đoán là 50. Gần đây, số ít phụ nữ phát hiện mắc ung thư ở tuổi khá trẻ (20-30 tuổi), ảnh hưởng khả năng mang thai. Đây là một trong những ung thư hay gặp ở nữ giới, chiếm khoảng 12% của tất cả các ung thư ở nữ giới, nguyên nhân gây tử vong thứ hai sau ung thư vú.

Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu do virus HPV. Bệnh có thể phòng ngừa bằng cách tiêm vaccine HPV kết hợp tầm soát ung thư sau khi có quan hệ hơn một năm hoặc sau 21 tuổi có quan hệ tình dục và mong muốn tầm soát ung thư cổ tử cung.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *