Đau bụng kéo dài một năm mới biết dính tử cung

Sau phẫu thuật cắt polyp tử cung, chị Tư, bị đau vùng hạ vị dài hơn một năm, đi khám mới biết buồng tử cung dính chặt.

Chị Tư (33 tuổi, Cần Thơ) kết hôn ba năm chưa sinh con. Chị đi khám hiếm muộn, phát hiện có polyp lòng tử cung và được phẫu thuật tại bệnh viện địa phương năm 2022.

Sau phẫu thuật, chị vẫn đau bụng thường xuyên trong mỗi chu kỳ, kéo dài 10 ngày, ngày một dữ dội, đi vệ sinh cũng đau, kinh nguyệt ít dần, không có thai dù không sử dụng biện pháp tránh thai. Chị nghĩ là đau do hành kinh nên không đi khám.

Cuối tháng 6, hai vợ chồng mong con nên đến Trung tâm Sản Phụ khoa, BVĐK Tâm Anh TP HCM thăm khám. Qua chụp X-quang tử cung – vòi trứng, bác sĩ phát hiện dính buồng tử cung.

Ngày 10/7, bệnh nhân được BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, BS.CKI Nguyễn Huy Cường phẫu thuật nội soi buồng tử cung cắt và tách dính, phục hồi khả năng sinh sản sau này. Sau mổ, người bệnh tiếp tục điều trị nội khoa, sử dụng thêm thuốc nội tiết để phòng tái dính buồng tử cung.

Dính buồng tử cung là tai biến sản khoa ít gặp, hầu hết nguyên nhân liên quan đến can thiệp hút thai, nạo phá thai, phẫu thuật trên tử cung… tương tự trường hợp chị Tư. BVĐK Tâm Anh TP HCM tiếp nhận nhiều trường hợp đi khám trễ, phát hiện vô sinh thứ phát sau 5-10 năm mổ lấy thai. Phần lớn người bệnh đến khám vì lý do muộn con.

Hiện, dính buồng tử cung chia làm hai dạng gồm dính hoàn toàn và dính một phần. Trong đó, dính buồng tử cung hoàn toàn thường có dấu hiệu cảnh báo vô kinh, vô sinh. Dính buồng tử cung một phần nữ giới thường có biểu hiện đau bụng dưới sau can thiệp trong tử cung, thay đổi chu kỳ kinh nguyệt với số ngày hành kinh và lượng máu kinh giảm. Một số phụ nữ vẫn có thể mang thai nhưng dễ sẩy, hạn chế sự phát triển thai nhi.

Các phương pháp để chẩn đoán tình trạng dính buồng tử cung như siêu âm đầu dò âm đạo, siêu âm bơm nước buồng tử cung, chụp X-quang tử cung vòi trứng, MRI vùng chậu…

Các bác sĩ khuyến cáo phụ nữ trong độ tuổi sinh sản từng có tiền sử nạo hút thai, can thiệp phẫu thuật trên tử cung cần kiểm tra sức khỏe sinh sản, khoảng 6 tháng một lần, tại cơ sở y tế uy tín.

Dính buồng tử cung có thể phòng ngừa bằng cách hạn chế nạo, phá thai hay các can thiệp phẫu thuật, thủ thuật lên buồng tử cung. Trường hợp bắt buộc bỏ thai cần đến bệnh viện có chuyên khoa sản để đảm bảo an toàn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *